Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2021: Vẫn còn đôi điều tiếc nuối

VHO- Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2021 đã chính thức khép lại sau hai tuần diễn ra sôi nổi với nhiều cung bậc cảm xúc. Có những thành quả lớn thu hoạch được sau Liên hoan, song đâu đó vẫn bắt gặp những ưu tư, trăn trở về một số bất cập rất cần được khắc phục để sân khấu Cải lương tiếp tục phát triển.

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2021: Vẫn còn đôi điều tiếc nuối - Anh 1

 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được trao giải cho 2 vở diễn xuất sắc

 Sự kiện do Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Sở VHTTDL tỉnh Long An và các đơn vị liên quan tổ chức. Lễ Bế mạc và trao giải diễn ra tại Nhà hát Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An với sự tham dự của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Nguyễn Văn Được; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương…

Ngày hội lớn của những người làm nghề

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trưởng BCĐ Liên hoan cho biết, 27 vở diễn của 22 đơn vị nghệ thuật đều mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất nơi họ sinh sống; chủ đề phong phú ngợi ca lịch sử hào hùng, những tấm gương tiêu biểu, phản ánh được đời sống sinh hoạt cùng những phong tục, tập quán tốt đẹp, khơi dậy niềm tự hào và tình yêu quê hương đất nước trong mỗi người. Tuy nhiên, bên cạnh những vở diễn được đầu tư công phu thì vẫn còn một số vở diễn vẫn chưa được như kỳ vọng…

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2021: Vẫn còn đôi điều tiếc nuối - Anh 2
 

Để Cải lương ngày càng phát huy được những giá trị, tinh hoa truyền thống và tiếp thu những cái mới từ nghệ thuật sân khấu đương đại, các cơ quan, đơn vị chức năng cần quan tâm đầu tư hơn nữa cả về nhân lực và vật lực cho các vở diễn. Tăng cường các tác phẩm có tính giáo dục cao về tư tưởng, thẩm mỹ, tinh thần nhân văn, yêu nước. Các đề tài cần mang hơi thở thời đại và tính thời sự nóng hổi của cuộc sống. Bên cạnh đó, cần tập trung đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho diễn viên để đảm bảo các yếu tố truyền thống của nghệ thuật Cải lương được bảo tồn trọn vẹn. Có chính sách đặc thù để thu hút lực lượng diễn viên trẻ, tài năng về làm việc tại các nhà hát, các đoàn nghệ thuật.

(Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG)

Thay mặt Hội đồng nghệ thuật, Nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức đánh giá, đề tài các vở diễn tham gia Liên hoan rất đa dạng, trong tổng số 27 vở thì có 7 vở lịch sử, 4 vở dân gian, 16 vở chiến tranh cách mạng và đương đại. Sự sáng tạo độc lập của tác giả qua khâu kịch bản với bố cục chặt chẽ, cách kể câu chuyện kịch khéo léo, sự hỗ trợ hiệu quả các thành phần sáng tạo, dưới bàn tay “phù phép” của các đạo diễn để làm rõ đặc trưng “tự sự, trữ tình và kết thúc có hậu” của kịch hát Cải lương, và nhất là, qua quá trình “lao tâm, khổ tứ” của các diễn viên, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021 đã xuất hiện nhiều vở diễn có chất lượng nghệ thuật cao, chủ đề, tư tưởng rõ ràng, sâu sắc, được chuyển tải qua nội dung hấp dẫn.

Theo Hội đồng nghệ thuật, điều dễ dàng nhận diện nhất ở tất cả các nghệ sĩ tham dự Liên hoan là lửa nghề, tình yêu dành cho Cải lương, nỗi khát khao được thể hiện tài năng trước khán giả. Điều đó càng đáng trân trọng hơn khi các loại hình nghệ thuật sân khấu nói chung, nghệ thuật Cải lương nói riêng đang ở trong giai đoạn cực kỳ khó khăn. Các thế hệ nghệ sĩ dù là NSND, NSƯT hay diễn viên trẻ, đảm nhận vai chính hay phụ, đều hết sức chăm chút, đầu tư cho nhân vật của mình với giọng ca hay, lớp diễn tinh tế, xuất thần, tạo được thăng hoa qua những hình tượng cụ thể. Điểm đáng chú ý trong Liên hoan lần này là cách các nghệ sĩ thể hiện nhân vật lịch sử đều hết sức dung dị và đầy cảm xúc, vì thế các nhân vật lịch sử đã gần gũi hơn, đời thường hơn và để lại cho khán giả nhiều cảm xúc chân thật hơn...

Sự tiếp nối thế hệ là một trong những điểm sáng của Liên hoan khi nhiều đơn vị đã mạnh dạn đặt niềm tin vào lứa nghệ sĩ trẻ. Đây có lẽ cũng là Liên hoan có sự tham gia diễn thi của nhiều người trẻ nhất từ trước đến nay. Đa phần các em được đào tạo chính quy, bài bản và có chất giọng, diễn xuất khá tốt. Họ đã thực sự biến sàn diễn không chỉ thành nơi thi tài mà còn là nơi chuyển tải những thông điệp nóng nhất của tác phẩm sân khấu đến với khán giả đương đại.

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2021: Vẫn còn đôi điều tiếc nuối - Anh 3

 Vở “Truyền thuyết chàng Sa Mộc” (kịch bản Hoàng Song Việt - Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ) được trao HCV

Niềm vui vẫn chưa trọn vẹn…

Là người theo dõi suốt chặng đường Liên hoan, soạn giả Hoàng Song Việt tâm tư: “Điều tôi quan tâm là mục đích, kết quả Liên hoan sẽ mang đến điều gì cho đội ngũ sáng tạo sân khấu Cải lương? Điều đáng tiếc nhất là do khó khăn chung, nên thay vì diễn viên, nghệ sĩ khắp cả nước cùng tề tựu xem nhau biểu diễn để rút kinh nghiệm và học hỏi, thì các đoàn cứ diễn xong là về, còn đoàn thi cuối phải đợi sát ngày mới đến vì không thể lo kinh phí ăn ở dài ngày. Tôi mong thời gian tới, các địa phương cần có sự quan tâm, chú trọng để giải quyết vấn đề này. Hiện nay, đơn thuần các em đến với Liên hoan chỉ để thi thố lấy huy chương, vì thế không được cọ xát, giao lưu hay trao đổi với đồng nghiệp”.

Nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức cũng cho rằng, cùng với những điểm tích cực, Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2021 đã bộc lộ một vài điều khiến niềm vui chưa trọn vẹn. Đơn cử, một số đơn vị nghệ thuật thiếu hẳn chất thanh xuân trong đội ngũ nghệ sĩ, nhất là ở tuyến nhân vật chính; nhiều diễn viên trẻ non về nghề, thiếu sáng tạo, thiếu khai thác chiều sâu tâm lý, nội tâm, tính cách nhân vật; vẫn còn tiếng nhắc tuồng “oang oang” vọng ra từ cánh gà bởi diễn viên chưa thuộc hết lời thoại… Những “hạt sạn” nêu trên đã tác động không nhỏ đến kết quả diễn thi của từng cá nhân, đồng thời khiến tác phẩm sân khấu cũng thiếu đi sự toàn vẹn!

Để sân khấu Cải lương ngày càng phát huy được những giá trị, tinh hoa truyền thống và tiếp thu những cái mới từ nghệ thuật đương đại, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng cần tiếp tục quan tâm đầu tư hơn nữa cả về nhân lực và vật lực cho các vở diễn. Tăng cường các tác phẩm có nội dung giáo dục cao về tư tưởng, thẩm mỹ, tinh thần nhân văn, yêu nước. Các đề tài cần mang hơi thở thời đại và tính thời sự nóng hổi của cuộc sống. Bên cạnh đó, cần tập trung đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho diễn viên để đảm bảo các yếu tố truyền thống của nghệ thuật Cải lương được bảo tồn trọn vẹn. Có chính sách đặc thù để thu hút lực lượng diễn viên trẻ, tài năng về làm việc tại các nhà hát, các đoàn nghệ thuật. “Những vở diễn đạt chất lượng tốt tại Liên hoan cần được tuyên truyền, lan toả để đáp ứng sự kỳ vọng của giới mộ điệu đối với nghệ thuật Cải lương”, Thứ trưởng nhấn mạnh. 

 Trao 17 huy chương cho vở diễn và 124 huy chương cho nghệ sĩ

Chung cuộc, BTC đã trao 2 giải xuất sắc, 5 HCV, 7 HCB, 3 HCĐ. Theo đó, 2 giải xuất sắc thuộc về Đoàn Cải lương Hải Phòng (vở Đất liền và biển cả); Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An (vở Bên dòng Long Khốt). 5 HCV thuộc về vở Điều còn lại của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa; Phận má đào của Nhà hát Cải lương Hà Nội; Truyền thuyết chàng Sa Mộc của Công ty TNHH tổ chức biểu diễn Song Việt; Nguyễn Cầm ca - Kiều của Nhà hát Cải lương Việt Nam; Sứ mệnh của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai. Giải cá nhân nghệ sĩ có 40 HCV, 53 HCB, 31 HCĐ. Ngoài ra, BTC còn trao giải cho thành phần sáng tạo, gồm Tác giả xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Nhạc sĩ xuất sắc, Họa sĩ xuất sắc và Biên đạo múa xuất sắc.

 THÙY TRANG - HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc